Tính khái toán giá trị xây dựng ngôi nhà mới

Việc tính khái toán giá trị xây dựng dựa vào số liệu thống kê và kinh nghiệm của các nhà thầu xây dựng. Sau nhiều công trình và thực hiện tổng kết chi tiết cuối công trình, nhà thầu có kinh nghiệm sẽ tìm được những hàm số thống kê tương quan giữa giá thành và một biến số nào đó. Thông thường và dễ gặp nhất là mối tương quan giữa diện tích xây dựng và giá trên một đơn vị diện tích. Ví dụ : chúng ta thường nghe nói giá xây dựng nhà ở hiện này là … (ví dụ 3,8 triệu đồng/m2).

Như đã trình bày ở trên, việc tính khái toán dựa vào đơn giá/m2 là dựa vào thống kê nên chắc chắn sẽ có nhiều sai số và độ tin cậy phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và chất lượng mẫu thống kê. Cụ thể là nhà thầu phải có nhiều công trình về hình dáng, chất lượng hoàn thiện về kết cấu, địa chất, địa tầng tương đồng để có được một kết quả thống kê tin cậy. Điều này thật khó trong điều kiện hiện nay, bởi khi các Hiệp hội Xây dựng, Hiệp hội Kiến trúc chưa thể đứng ra tập hợp và phân tích số liệu này thì các nhà thầu đơn lẻ rất khó có được số liệu tin cậy. Thông thường, độ sai lệch của giá trị khái toán tính trên đơn giá xây dựng/m2 hiện nay khá cao, có thể sai số hơn 10% và có trường hợp cá biệt lên đến 50%.

Tham khảo ý kiến của các nhà thầu xây dựng hiện nay trên địa bàn Tp.HCM ở các vùng nội thành, đơn giá xây dựng/m2 được tính trung bình từ 3.8 – 5 triệu đồng cho mỗi m2, diện tích xây dựng (lưu ý không bao gồm tường rào, sân vườn và các trang bị nội thất). Diện tích xây dựng này được hiểu là diện tích của tầng trệt, các tầng lầu kể cả ban công. Nếu nhà mái ngói, các nhà thầu xây dựng thường cộng thêm 30% – 50% đơn giá cho phần mái ngói, có nghĩa là cộng thêm từ 1.200.000 – 1.800.000 đ cho một m2 mái ngói.

Ví dụ : Xây một ngôi nhà diện tích tầng trệt là 100m2, xây một trệt hai lầu và mái ngói thì giá trị xây dựng được tính như sau : 100 x 3 x 3.800.000 + 100 x 3.800.000 x 1/3 = 1.260.000.000 đ.

Lưu ý : Đơn giá trên chỉ áp dụng cho các công trình xây dựng trong nội thành. Ở các quận ngoại thành như Nhà Bè, Bình Chánh có cấu tạo địa chất yếu nên đơn giá xây dựng phải tăng lên, cụ thể tăng thêm từ 20% – 30% giá trị xây dựng cho việc gia cố móng. Theo ví dụ trên, nếu ngôi nhà 100m2 được xây ở Nhà Bè thì giá trị khái toán sẽ là 1.556.000.000 đ (tức tăng thêm ~ 300 triệu đồng).

Cách tính toán hệ thống thông gió cho tầng hầm

Bước 1: Tính lưu lượng gió cần thiết để cấp cho tầng hầm.
Bước 2: Khảo sát và lên ý tưởng về đường ống đi theo trục đứng và đi trên mặt bằng trong tầng hầm
Bước 3: Bố trí vị trí các cửa gió cấp/hút trên mặt bằng tầng hầm (khoảng cách của các cửa gió và nhánh cấp/hút nên giữ khoảng cách từ 3m đến 6m), các cửa gió có thế nối ống gió hoặc đặt trực tiếp trên ống gió
Bước 4: Tính kích thước miệng gió dựa vào lưu lượng đã tính, tốc độ gió tại các cửa cấp và cửa hút cần thiết kế trong tiêu chuẩn cho phép để giảm độ ồn, gợi ý từ 1-3 m/s
Bước 5: Thực hiện vẽ đường ống trên mặt bằng, cần giảm kích thước đường ống theo lưu lượng, bố trí đường ống sao cho trở lực nhỏ nhất nhưng vẫn đáp ứng được hiệu quả thông gió.
Lưu ý: Nên thiết kế đồng bộ cho các cửa cấp, cửa hút để đảm bảo về mặt kiến trúc cũng như cân bằng lưu lượng gió trong hệ thống.

Ví dụ :
Để tính toán lưu lượng thông gió tầng hầm. Bước đầu ta chọn bội số tuần hoàn không khí theo tiêu chuẩn cho ở bảng bên dưới, đối với tầng hầm bội số thường là 6-7 (lần) trong trường hợp bình thường. Nếu có kết hợp hút khói thì tính 10 lần.
Đề bài : Tính toán hệ thống thông gió cho tầng hầm có diện tích 1000 m2 chiều cao 4 mét.

Hướng dẫn :
Bước 1 : Tính lưu lượng gió
Chọn bội số tuần hoàn là 6, ta có lưu lượng của quạt hút công nghiệp cần thiết tối thiểu là: 1000 x 4 x 6 = 24.000 m3/h .
Lưu lượng tính được tương đương 24.000 m3/h = 6.5 m3/s

Bước 2 : Chọn cửa gió
Ta chọn loại cửa gió có kích thước 1000 x 250 thì tiết diện của cửa là
Sc =1 x 0.25 = 0.25m2

Ta chọn tốc độ hút gió của cửa là 1,5 m/s, thì ta được lưu lượng gió hút của 1 cửa là:
Gc = v x Sc = 0.25 x 1.5 = 0.375 m3/s
Bước 4 : Tính số cửa gió
Vậy số cửa gió tối thiểu trên nhánh gió hút sẽ được tính theo công thức:
Nc = V/Gc= 6.5/0.375 = 17,33 cửa
=> Số cửa cần có trên nhánh gió hút cần thực tế là 18 cửa.
Ghi chú : Nếu khu vực tầng hầm không đủ lớn để bố trí đủ 18 cửa thì bạn có thể dùng phương pháp tăng kích cỡ ống gió lên để giảm số lượng cửa xuống.

 

Nguyên nhân thấm sàn bê tông, sân thượng

Bề mặt sàn mái bê tông, sân thượng là khu vực bị thấm thường do sàn mái bi nứt gãy, rạn nứt chân chim, trời mưa bị đọng nước lâu ngày dẫn đến hiện tượng thấm thấu, sự co giãn không đồng đều giữa lớp bê tông sàn mái với tường bao quanh sàn mái dẫn đến hiện tượng rạng nứt, tách lớp gây thấm thấu.

Chống thấm sân thượng, sàn mái bê tông là một việc vô cùng quan trọng mà bất kỳ công trình nào cũng cần phải quan tâm vấn đề này, nếu không sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng trong việc gây hư hại bê tông, mòn rỉ sắt thép công trình, .

Một số nguyên nhân dẫn đến việc sàn mái bị thấm:

  •  Chất chống thấm sàn mái không có khả năng co ngót theo sự thay đổi thời tiết.
  •  Lượng keo mỏng không tạo được chiều dày phù hợp với sự co ngót.
  •  Chất chống thấm bị lão hoá nhanh với ánh nắng mặt trời.
  •  Tại những vị trí tiếp giáp giữa hai tấm chống thấm chất lượng không tốt, thi công không đạt yêu cầu.
  • Không thử nước trước khi lát gạch tàu (kiểm tra lớp chống thấm).
  •  Sàn sân thượng có hệ thống thoát nước kém.
  •  Sàn sân thượng bị đọng nước.

Hệ thống kết cấu khung chịu lực là gì

 Khung chịu lực không hoàn toàn (khung khuyết)

Trong các ngôi nhà, có bước gian tương đối rộng hay mặt bằng phân chia không gian không theo một quy cách nhất định, hệ thống kết cấu của nhà có thể làm hình thức khung không hoàn toàn để chia sàn và mái. Ngoài việc lợi dụng tường ngoài để chịu lực có thể dùng tường trong hoặc cột làm kết cấu chịu lực. Hình thức này mặt bằng bố trí tương đối linh hoạt, nhưng dùng nhiều bêtông và thép hơn so với tường chịu lực, liên kết giữa tường và dầm phức tạp. ở những nơi đất yếu dễ sinh ra hiện tượng tường và cột lún không đều, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

 Khung chịu lực hoàn toàn (khung trọn)

Kết cấu chịu lực của nhà là dầm và cột, tường chỉ là kết cấu bao che, do đó tường có thể dùng vật liệu nhẹ, ổn định chủ yếu của nhà dựa vào khung.
Vật liệu làm khung thường làm bêtông cốt thép và thép hoặc bằng gỗ. Hình thức kết cấu này (trừ khung gỗ) ít dùng trong các nhà dân dụng bình thường vì tốn nhiều ximăng và thép, do đó chỉ nên dùng đối với nhà ở cao tầng hoặc nhà công cộng.

Dầm chính và Dầm phụ trong kết cấu bê tông cố thép

Dầm chính là dầm có kích thước lớn nhất trong các dầm, dầm chính nhất định là dầm đi qua cột, vách (có nghĩa là các cấu kiện chịu nén), gác lên cột hoặc vách và đỡ các dầm phụ.

Đối với nhiều trường hợp, dầm chính được quan niệm là dầm theo phương chịu lực chính của ngôi nhà, hay gọi là dầm khung. Nếu hiểu theo nghĩa chịu lực thì dầm chính chịu nhiều lực hơn dầm phụ nhiều vì dầm chính là dầm gánh đỡ dầm phụ, có thể cái nay lại là chính của cái kia, nhưng lại là phụ của cái khác. Cách hiểu chuẩn nhất để chia dầm chính, dầm phụ là tải trọng mà dầm phải chịu. Nếu không gác lên cột thì đích thị là dầm phụ 100%, dầm phụ là dầm không gác lên các cấu kiện chịu nén mà lại gác lên cấu kiện chịu uốn, xoắn. Bản chất của việc phân chia dầm chính dầm phụ là để tính toán chịu lực, để gán lực từ dầm phụ sang dầm chính, mặt khác còn để chọn tiết diện cho dầm sao cho dầm chính có độ cứng lớn hơn nhiều so với dàm phụ.

Nếu tất cả các dầm đều gác lên cột, trừ dầm ban công, dầm phụ cầu thang, nên sẽ không chia ra dầm chính dầm phụ dựa trên hình học mà sẽ dựa trên chịu lực của mỗi dầm qua việc phân tải dầm nào chịu nhiều tải thì tiết diện sẽ lớn và ngược lại. Chọn tiết diện thế nào là do mỗi người, chọn tiết diện to quá thì thép ít, mất kiến trúc, ít thép quá cũng nguy. Chọn tiết diện nhỏ quá thì thép nhiều, lãng phí, mà nhiều thép quá hay ít thép quá đều chết cả, phá hoại giòn.Tuy nhiên ở đây chẳng cần quan tâm chính phụ làm gì nữa, nếu chạy Sap 2000, Etabs không gian thì nó tự tính ra, còn nếu bạn dồn tải bằng tay thì mới cần biết cái nào đè lên cái nào.

Đối với dầm chính:
h = (1/10 ~ 1/15)*L
Đối với dầm phụ:
h = (1/15 ~ 1/20) * L
b = (0,3 ~ 0,5)*h
L: Nhịp dầm

Hướng dẫn cách ốp gạch trên tường tại nhà với sự chuẩn bị kỹ càng của các loại vật liệu

Hãy ghé cử hàng bán vật liệu xây dựng và trang trí nội ngoại thất để có thể chọn mua những loại gạch dá mà bạn thích như là gạch men ceramic, đá granite, gạch men ốp tường, đá marble, đá tự nhiên ốp tường, …Gạch đá phải đúng với chất lượng, đúng với quy cách không bị nứt nẻ giữ được đường nét hoa văn, đó là cách ốp gạch trên tường có sự chuẩn bị tốt và đam bảo chất lượng khi thi công.
Dụng cụ thi công đó bao gồm bay, nivô hay xô chứa vữa, giẻ sạch hay xốp để vệ sinh gạch, thước, dao cắt gạch, dây căn, …

Vữa ốp gạch thường hay dùng là vữa hồ dầu hay còn gọi là keo dán đá gạch. Vữa hồ dầu được pha trộn cùng với xi măng nguyên chất trộn với nước, ta cũng có thể pha trộn 5% hồ vôi so với thể tích của xi măng để tạo nên độ dẽo của vữa ốp.
Gạt bỏ đi những chỗ lồi lõm ở trên mặt tường cần ốp gạch đá, cho thêm vữa vào ở những chỗ lõm để đảm bảo cho bề mặt ốp bằng phẳng.
Kiểm tra lại cao độ nền nhà, độ phẳng của tường cần ốp lát, sửa lại bằng cách trét vữa xi măng.

Trước khi ốp phải trát một lớp vữa xi măng cát tỷ lệ 1:3 theo thể tích. Các viên gạch loại nhỏ gắn trực tiếp lên tường, nếu nặng hơn phải có móc sắt để neo vào tường.Yêu cầu mặt ốp phải phẳng, gạch ốp chặt vào tường, mạch thẳng và đều, chiều rộng mạch nhỏ. Khi ốp thì ốp từ dưới lên, được hàng nào thì chèn vữa đầy cho hàng đó, khi ốp được 3 đến 4 viên thì dùng thước tầm để kiểm tra nếu chưa phẳng thì gõ nhẹ vào thước tầm để tạo độ phẳng. Trước khi ốp cả hàng phải ốp hàng đứng ở hai bên góc tường làm cữ cho cả hàng ngang để cách ốp gạch trên tường đạt hiệu quả. Ôp xong cả mạch thì phải hoà nước xi măng lau mạch. Sau khi ốp xong phải nương nhẹ mặt ốp khoảng 10 ngày cho mặt ốp thật rắn, lấy khăn lau bóng mặt, dùng thanh tre vót bẹt lấy cật để cào những vết vữa bám trên tường

Tại sao nên thiết kế cầu thang kết hợp giếng trời ?

Về cách đặt vị trí giếng trời và cầu thang chúng ta có thể đặt ở giữa nhà, ở cuối nhà và bên hông nhà tùy theo phong thủy ngôi nhà sao cho mang lại vượng khí, tuy nhiên theo như tính khoa học của kiến trúc thì người ta thường thiết kế giếng trời kết hợp với cầu thang trong ngôi nhà. Đối với những ngôi nhà phố, nhà ống nhỏ hẹp thường thiết kế cầu thang ở trung cung hoặc cuối nhà, và không gian cầu thang cần được chiếu sáng để đảm bảo an toàn khi di chuyển lên xuống, vì thế nếu đặt giếng trời cạnh cầu thang sẽ tạo ra năng lượng ánh sáng cho tất cả các tầng trong ngôi nhà. Nếu cả cầu thang và giếng trời đặt ở giữa nhà thì ánh sáng hay gió sẽ lưu thông đều đặn cho các không gian nội thất, đó là một cách xử lý phổ biến mà mang lại hiệu quả cao.
Đối với những ngôi nhà ống có chiều sâu tương đối lớn và mặt tiền hẹp thì chắc chắn nếu đặt giếng trời ở cuối nhà hay ở trước nhà thì hiệu quả sẽ không cao vì ánh sáng hay không khí không thể phát tán khắp nhà, nếu đặt giếng trời ở giữa nhà sẽ có tác dụng hiệu quả hơn. Tương tự như thế, cầu thang ở nhà ống đặt giữa nhà sẽ thuận lợi hơn cho sự di chuyển lên xuống dù đi từ nơi nào của ngôi nhà lên đều có khoảng cách như nhau, không dài quá, không ngắn quá, đó là lí do chúng ta nên làm giếng trời kết hợp cầu thang.
Giếng trời có thể đặt ở nhiều vị trí trong nhà, thường ở trung tâm ngôi nhà, cạnh cầu thang, phòng bếp và phòng ăn. Phổ biến hơn cả là nằm trên khu vực cầu thang, đây là vị trí thích hợp bởi cầu thang thường đặt ở giữa nhà và kề với bếp. Ở quanh khu vực cầu thang, thường có các phòng chức năng như phòng ngủ, phòng sinh hoạt chung và phòng làm việc.

Xử lý tiếng ồn cho căn hộ chung cư

Tiếng ồn trong chung cư bao gồm tiếng ồn âm thanh truyền qua không khí (từ tiếng động cơ xe ngoài đường, tiếng người nói và tiếng âm thanh phát ra từ thiết bị nghe nhìn và các máy móc khác) và tiếng ồn âm thanh truyền qua kết cấu nhà (từ tiếng va đập trực tiếp vào tường, sàn nhà này truyền qua kết cấu khung, tường, sàn chung của tòa nhà vào kết tường, sàn nhà khác. Ngoài ra riêng các căn hộ trên tầng cao (khoảng từ tầng 10 trở lên) còn chịu tiếng ồn do gió thổi mạnh qua khe cửa sổ hoặc cửa đi nếu các cánh cửa không kín khít. Căn hộ ở tầng dưới chịu tiếng ồn truyền qua kết cấu nhà nhiều hơn các căn hộ tầng trên do gần đường giao thông hơn. Căn hộ ở tầng cao chịu tiếng ồn do gió thổi mạnh qua khe cửa hơn căn hộ ở tầng thấp.

Đối với những căn hộ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn truyền qua kết cấu thì hiện nay chưa có biện pháp phổ biến nào hiệu quả, do âm thanh truyền qua kết cấu đặc rất nhanh và độ suy yếu bởi khoảng cách thấp hơn truyền qua không khí, trong khi cấu tạo của căn hộ lại được bao bọc bởi rất nhiều kết cấu đặc bao quanh là tường, trần, sàn. Những giải pháp lắp đặt trần thạch cao, trải thảm, ốp lên tường vật liệu xốp chỉ giải quyết vấn đề tiêu âm là chính (xử lý âm thanh nội bộ tự phát ra trong căn hộ, và giảm âm cho các căn hộ lân cận)

Trần thạch cao, sàn gỗ, tường sần và đồ nội thất rất tốt cho việc tiêu âm cho căn hộ này và giảm ảnh hưởng tiếng ồn cho căn hộ khác.
Giải quyết vấn đề cách âm cho căn hộ hiện nay, chủ yếu là cách âm truyền qua không khí: xử lý cửa (cửa đi và cửa sổ) kín không có khe hở, vật liệu làm cửa là vật liệu cách âm tốt.

Vật liệu cách âm tốt dùng cho cửa đi và cửa sổ: kính 2 hoặc 3 lớp cách nhau bằng lớp khí trơ, gỗ dày hoặc nhiều lớp, gỗ bọc vật liệu xốp như mút hoặc nỉ… và quan trọng là các cửa đã sử dụng vật liệu cách âm phải kín khít với khuôn cửa và tường ngăn.

Vật liệu cách âm cho sàn: sàn gỗ có lớp lót xốp và dày, hoặc sàn gỗ lát trên khung xương (ván sàn có khoảng cách với kết cấu sàn bê tông), thảm dày có lớp lót (lớp underlay) dày.

Vật liệu cách âm cho trần: trần thạch cao cách trần bê tông một lớp không khí và quan trọng là phải kín không có khe hở trên trần thạch cao.

Một điều quan trọng không kém trong việc giảm tiếng ồn trong chung cư, đó là mỗi gia đình khi đã sống trong chung cư cần tự có giải pháp tiêu âm, cách âm cho những khu vực gây ra tiếng ồn lớn của nhà mình để tránh gây ảnh hưởng đến các căn hộ xung quanh. Ngăn chặn một nguồn gây ồn dễ hơn nhiều so với việc xử lý chống ồn cho rất nhiều khu vực xung quanh nguồn gây ồn đó.

Chống thấm cho nhà xưởng, nhà thép tiền chế

Các nguyên nhân thường dẫn đến việc nhà xưởng – nhà thép tiền chế bị thấm:

Thứ nhất: Tường nhà xưởng được xây dạng tường 10cm rất mỏng và ở khu trống trải xung quanh, sau đó hoàn thiện thì bả mỏng rồi sơn không lót kỹ nên khi trời mưa to, mưa lâu sẽ bị ngấm từ đó dễ dàng bị thấm và bong tróc sơn

– Cách khắc phục chống thấm tường nhà xưởng: Sủi lớp ngoài ra hết sau đó bả, chét lại và quan trọng là phủ lớp chống thấm dạng keo thật kỹ rồi sơn lại sơn màu theo ý bạn.

Thứ hai: Bị nứt, hở các vết nối giữ cột và tường hoặc ở các góc cạnh trên tường nên khi mưa gió nước sẽ theo các đường nứt này ngấm vào trong và có thể lan ra trên diện rộng

– Cách khắc phục chống thấm tường nhà xưởng: Đục hở rộng ra và sâu hơn theo đường nứt rồi bơm keo chống thấm hay dung dịch chống thấm 2 hỗn hợp dạng lỏng để thấm và len lỏi vào sâu vết nứt thì việc chống thấm sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Thứ ba: Khu vực tường thường bị ẩm ướt lâu ngày sẽ dễ dàng bị thấm hơn.

Sự khác biệt trong phương thức chống thấm nhà xưởng chuyên nghiệp so với chống thấm dột tại các công trình xây dựng khác:

Lựa chọn giải pháp chống thấm dột phù hợp với những hạng mục diện rộng tại các vị trí nhà xưởng như sàn nhà, mái tôn…

Lựa chọn vật liệu có khả năng chống thấm tốt, đặc biệt yêu cầu độ bền cao, chịu được lực va chạm và trơ trước các loại chất hóa học, tuổi thọ cao.

Thời gian thi công chống thấm dột cho nhà xưởng cần đáp ứng tốt về tiến độ thi công, càng nhanh gọn càng tốt.

Cũng chính vì thi công trên diện rộng nên mức giá thi công chống thấm cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm.

Quy trình thiết kế kết cấu công trình cơ bản

Trên thực tế, một quy trình thiết kế kết cấu công trình xây dựng hoàn chỉnh thường bao gồm rất, rất nhiều công đoạn và chi tiết khác nhau. Tùy theo quy mô, điều kiện thực tế cũng như cách thức triển khai công việc của mỗi đơn vị tư vấn thiết kế kết cấu khác nhau mà quy trình có thể có những thay đổi ít nhiều. Tuy nhiên, nhìn chung quy trình này vẫn sẽ bao gồm 7 bước cơ bản sau đây:

Bước 1. Xác định rõ phương án kết cấu

– Để có thể thiết kế kết cấu công trình, các kỹ sư trước hết cần nghiên cứu bản vẽ các mặt đứng chính, mặt đứng hông, mặt cắt dọc, mặt cắt ngang, mặt bằng tầng hầm, tầng trệt, …, từ đó mới có thể xác định tương đối chính xác các kích thước chính trong công trình. Bên cạnh đó, cũng cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về kích thước cũng như sự bố trí hệ thống thang bộ, thang máy, hệ thống điện, hệ thống cấp, thoát nước, các bộ phận ngầm, các đường ống kỹ thuật, …

– Nghiên cứu hồ sơ địa chất của công trình bao gồm việc tìm hiểu và phân tích mặt cắt địa chất, tính chất, chỉ tiêu cơ lý các lớp đất bên dưới công trình.

– Dự kiến hệ chịu lực chính của công trình bao gồm khung, khung kết hợp vách cứng, lõi cứng, … Tiếp đến là việc bố trí một cách sơ bộ các bộ phận nhận tải trọng truyền lên hệ chịu lực chính của công trình như: hệ dầm, sàn, khu vực thang máy, thang bộ, lỗ thông tầng, hồ nước mái, … Sau đó, người kỹ sư sẽ lựa chọn vật liệu chịu lực cho công trình (bêtông cốt thép, thép, gỗ…)

Bước 2. Lựa chọn sơ bộ kích thước cho các cấu kiện chính của hệ chịu lực

Ở bước tiếp theo này, người kỹ sư sẽ phải tiến hành lựa chọn sơ bộ độ dày của các loại sàn, kích thước tiết diện của hệ dầm, cột, vách của các loại cấu kiện có vai trò truyền tải trọng về hệ chịu lực chính .

Bước 3. Xác định tải trọng truyền lên các bộ phận chịu lực cũng như hệ chịu lực chính.

Bước 4. Tính toán chi tiết nội lực của hệ chịu lực chính và các cấu kiện ứng với khả năng tải trọng có thể gây nguy hiểm nhất đến hệ chịu lực chính của công trình.

Bước 5. Tính toán cốt thép cho hệ chịu lực chính cũng như cho từng cấu kiện.

Bước 6. Kiểm tra kết cấu công trình theo các trạng thái giới hạn.

Bước 7. Tiến hành thiết lập bản vẽ kết cấu, đồng thời lập bảng thống kê vật liệu sử dụng.

Trên đây là 7 bước chính nhất trong quy trình thiết kế kết cấu công trình cơ bản nhất mà người kỹ sư thiết kế cần phải tiến hành để tạo ra được một phương án kết cấu tối ưu, an toàn, và hiệu quả dành cho khách hàng của mình. Trên nguyên tắc, việc thiết kế kết cấu công trình sẽ cần phải thực sự thoả các yêu cầu sau đây, bao gồm: Người thiết kế phải thiết lập được sơ đồ kết cấu, xác định chính xác kích thước tiết diện, đồng thời bố trí và cấu tạo cốt thép sao cho đảm bảo tối đa độ bền, sự ổn định và bất biến hình trong không chỉ không gian tổng thể mà còn đối với riêng từng bộ phận của công trình từ khi thi công xây dựng cho tới giai đoạn sử dụng lâu dài về sau.