Các chỉ tiêu chất lượng của cốt thép được dùng trong thiết kế

Một số loại thép được sử dụng làm cốt trong bê tông cốt thép và các tiêu chuẩn tương ứng với mỗi loại:

  • Thép thanh cán nóng trơn với đường kính từ 6mm đến 40mm theo TCVN 1651-1:2008 và thép thanh cán nóng có gân với đường kính từ 6mm đến 50mm theo TCVN 1651-2:2018;
  • Thép thanh gia công cơ nhiệt với đường kính từ 15 mm đến 40mm theo TCVN 6284-5:1997 (ISO 6934-5:1991);
  • Dãy thép vuốt nguội với đường kính từ 5mm đến 12mm theo TCVN 6288:1997 (ISO 10544:1992);
  • Dây thép kéo nguội với đường kính từ 2,5 mm đến 12,2 mm theo TCVN 6284-2:1997 (ISO 6394- 2:1991);
  • Cáp 7 sợi hoặc 19 sợi với đường kính từ 9,3 mm đến 21,8 mm theo TCVN 6284-4:1997 (ISO 6934-4:1991). Cáp được phân thành loại có bề mặt trơn, có gân, hoặc lồi lõm (có vết ấn), hoặc được nén chặt từ dây thép trơn.

Chỉ tiêu chất lượng cơ bản của cốt thép được quy định trong công tác thiết kế chính là cấp cường độ chịu kéo của cốt thép. 

Cấp cường độ chịu kéo của cốt thép thỏa mãn giá trị được đảm bảo của giới hạn chảy thực tế hoặc quy ước bằng giá trị của ứng suất tương đương với độ giãn dài dư tương đối 0,1% hoặc 0,2%. Xác suất đảm bảo không nhỏ hơn 0.95 theo các tiêu chuẩn tương ứng.

Các yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng bổ sung như tính hàn được, tính dẻo, tính chịu lạnh, tính chống ăn mòn, các đặc trưng bám dính với bê tông,… sẽ được quy định thêm trong các trường hợp cần thiết.

Khi lựa chọn loại cốt thép đặt theo tính toán, cũng như thép cán định hình để làm các chi tiết đặt sẵn thì cần kể đến các điều kiện nhiệt độ làm việc của các kết cấu và đặc điểm chất tải của chúng.

Khi thiết kế vùng truyền ứng suất trước, neo cốt thép trong bê tông và các mối nối chồng cốt thép (không hàn) thì cần kể đến đặc điểm bề mặt cốt thép.

Khi thiết kế các mối nối hàn cốt thép thì cần kể đến biện pháp gia công cốt thép.

Đối với các móc cẩu (móc nâng) của các cấu kiện bê tông và bê tông cốt thép lắp ghép thì cần sử dụng thép cán nóng loại trơn CB240-T, CB300-T.

Lưu ý trong thiết kế kết cấu thép

Khi thiết kế kết cấu thép của một số loại công trình chuyên dụng như kết cấu lò cao, công trình thuỷ công, công trình ngoài biển hoặc kết cấu thép có tính chất đặc biệt như kết cấu thành mỏng, kết cấu thép tạo hình nguội, kết cấu ứng lực trước, kết cấu không gian, v.v… cần theo những yêu cầu riêng quy định trong các tiêu chuẩn chuyên ngành.

Kết cấu thép phải được thiết kế đạt yêu cầu chung quy định trong Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam là đảm bảo an toàn chịu lực và đảm bảo khả năng sử dụng bình thường trong suốt thời hạn sử dụng công trình.

Khi thiết kế kết cấu thép còn cần tuân thủ các tiêu chuẩn tương ứng về phòng chống cháy, về bảo vệ chống ăn mòn. Không được tăng bề dày của thép với mục đích bảo vệ chống ăn mòn hoặc nâng cao khả năng chống cháy của kết cấu.

Khi thiết kế kết cấu thép cần phải:

– Tiết kiệm vật liệu thép;

– Ưu tiên sử dụng các loại thép do Việt Nam sản xuất;

– Lựa chọn sơ đồ kết cấu hợp lí, tiết diện cấu kiện hợp lí về mặt kinh tế – kỹ thuật;

– Ưu tiên sử dụng công nghệ chế tạo tiên tiến như hàn tự động, hàn bán tự động, bu lông cường độ cao;

– Chú ý việc công nghiệp hoá cao quá trình sản xuất và dựng lắp, sử dụng những liên kết dựng lắp liên tiếp như liên kết mặt bích, liên kết bulông cường độ cao; cũng có thể dùng liên kết hàn để dựng lắp nếu có căn cứ hợp lý;

– Kết cấu phải có cấu tạo để dễ quan sát, làm sạch bụi, sơn, tránh tự nước. Tiết diện hình ống phải được bịt kín hai đầu.