Ý nghĩa của công tác khảo sát địa chất công trình trong thiết kế kết cấu
Không chỉ riêng với công tác tư vấn thiết kế kết cấu công trình mà ngay cả đối với tổng thể hoạt động xây dựng nói chung, khảo sát địa chất công trình – địa kỹ thuật thực sự là một trong những công đoạn hết sức quan trọng, thiết yếu và cần được thực hiện trước tiên trong toàn bộ quá trình thiết kế kết cấu của mọi loại hình công trình xây dựng.
Thật vậy, quá trình khảo sát địa chất giúp ích rất nhiều cho các kỹ sư thiết kế kết cấu trong việc lựa chọn giải pháp móng cùng các hạng mục quan trọng khác sao cho hợp lý về mặt kinh tế mà vẫn đảm bảo tối đa các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc.
Khảo sát địa chất công trình là gì?
Đây chính xác là công tác nghiên cứu, đánh giá cụ thể điều kiện địa chất công trình tại địa điểm thi công, xây dựng công trình, từ đó có thể xác định rõ tính chất cơ lý của các lớp đất nền, cấu trúc nền đất, điều kiện nước dưới đất cũng như các tai biến địa chất phục vụ cho công tác thiết kế và xử lý nền móng, … Các công tác chính trong quá trình khảo sát địa chất công trình thường bao gồm: khoan, đào, xuyên động, xuyên tĩnh, địa vật lý, cắt cánh, nén tĩnh, nén ngang, …
Tại sao phải tiến hành khảo sát địa chất công trình?
Công tác khảo sát địa chất công trình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cung cấp các thông tin thiết yếu nhằm:
– Đánh giá chi tiết mức độ thích hợp của môi trường và địa điểm đối với công trình dự kiến được xây dựng.
– Xác định các biến đổi của môi trường địa chất do hoạt động kinh tế – công trình của con người, và ảnh hưởng của những biến đổi này đối với bản thân công trình cũng như các công trình lân cận.
– Lựa chọn, thiết kế giải pháp móng tối ưu,hợp lý và tiết kiệm cho công trình.
– Đề xuất biện pháp thi công thích hợp và hữu hiệu nhất, đồng thời dự đoán trước được những khó khăn, trở ngại có thể phát sinh trong thời gian thi công.
– Đánh giá chính xác mức độ an toàn của các công trình đang tồn tại, thiết kế cải tạo nâng cấp công trình hiện có đồng thời nghiên cứu các trường hợp đã xảy ra gây hư hỏng công trình.
Ưu điểm của việc khảo sát địa chất công trình
– Xác định một cách chính xác độ dài cọc cần đúc và điều kiện ép cọc hợp lý.
– Tính toán trước sức chịu tải của cọc trên đất nền theo thời gian.
– Tránh rủi ro tải trọng giả cũng như đảm bảo không lãng phí khoản chỉ cho nền móng dư thừa do thiết kế quá dư tải trọng cần thiết.
Khảo sát địa chất công trình khi nào, ở đâu?
Theo nguyên tắc thiết kế kết cấu công trình, công tác khảo sát địa chất cần được tiến hành trước khi thiết kế phần nền móng công trình. Và quá trình này phải được thực hiện trên phần diện tích đất dự kiến xây dựng công trình, cũng như tại nơi bố trí các công trình quan trọng, nơi đặt móng nhà, đài nước…
Nhìn chung, công tác khảo sát địa chất công trình – địa kỹ thuật có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với kết cấu, sự bền vững của mọi công trình, đặc biệt là những công trình nhà cao tầng, công trình ngầm cũng như các công trình được thi công, xây dựng tại những địa bàn có điều kiện địa chất phức tạp.