Một số đặc điểm đập bê tông đầm lăn
Đập đất có ưu điểm thi công nhanh, song khối lượng lại lớn, độ bất định về vật liệu cao hơn đập bê tông, đập cao ít được áp dụng. Đập bê tông truyền thống có ưu điểm khối lượng nhỏ so với đập đất, độ bất định thấp hơn, song thi công bằng thủ công, tiến độ rất chậm đặc biệt công trình có khối lượng lớn gặp nhiều khó khăn.
Đập bê tông đầm lăn kết hợp ưu điểm của đập đất về công nghệ thi công, ưu điểm của đập bê tông truyền thống về mặt kết cấu đập.
Ưu điểm :
– Do kế thừa công nghệ thi công cơ giới của đập đất nên đập bê tông đầm lăn có ưu điểm lớn là thi công nhanh, hiệu quả kinh tế cao so với thi công thủ công ở đập bê tông truyền thống. Áp dụng công nghệ này sẽ đẩy nhanh được tiến độ thi công, công trình sớm đưa vào khai thác vận hành, hiệu quả kinh tế sẽ lớn hơn nhiều so với đập bê tông truyền thống. Những công trình có khối lượng bê tông lớn là sở trường của công nghệ BTĐL.
– Do sử dụng ít nước trong hổn hợp bê tông nên lượng dùng xi măng trong hổn hợp BTĐL nhỏ. Yếu tố này làm cho nhiệt lượng thuỷ hoá trong khối BTĐL nhỏ hơn nhiều so với bê tông truyền thống. Theo đó vấn đề khống chế nhiệt độ không phức tạp như đập bê tông truyền thống và càng phức tạp hơn đối với đập cao, vì phải sử dụng hệ thống ống làm lạnh bên trong thân đập, ngoài các biện pháp hạ nhiệt hổn hợp bê tông bên ngoài.
Nhược điểm :
– Các mặt tiếp xúc giữa các lớp đổ nếu kiểm soát không chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến khả năng chống thấm của đập. Tuy nhiên vấn đề này cho đến nay đã được giải quyết khá triệt để: (1) trong thiết kế đã bố trí lớp chống thấm thượng lưu và lớp bê tông biến thái ở phía thượng lưu bê tông chống thấm; Sau khi đập hoàn thành mặt thượng lưu đập được xử lý bằng 1 lớp chống thấm dạng kết tinh (Xypex hoặc Krystol); Sau lớp bê tông chống thấm là hệ thống tiêu nước trong thân đập. (2) Trước khi thi công đã tiến hành thí nghiệm đầm nện hiện trường để xác định thông số đầm nện, quy trình thi công, thời gian khống chế để không được phát sinh khe lạnh ở 2 lớp tiếp giáp…
III. VẤN ĐỀ ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ BÊ TÔNG ĐẦM LĂN VÀO ĐIỀU KIỆN VIỆT NAM :
1. Thành tựu áp dụng công nghệ BTĐL trên thế giới:
Năm 1961 có đê quây tường tâm của đập Thạch Môn ở Đài Loan Trung Quốc và năm 1975 ở Pakistan trong công việc sữa chữa các công trình, cũng dùng phương pháp trên để thi công. Đây là lần sớm nhất ở các đập cục bộ xuất hiện bê tông đầm lăn.
Đến năm 1980 – 1984 ở Nhật Bản, Anh, Mỹ cũng đã xây dựng xong các đập bê tông đầm lăn
Năm 1986 – 1989 ở Trung Quốc xây dựng xong các đập bê tông đầm lăn Khang Khẩu Cầu Thiên Sinh, Long Môn Than, Phan Gia Khẩu v.v…
Qua quá trình phát triển đến nay đã hình thành 3 trường phái chính về công nghệ BTĐL trên thế giới : Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Mặc dầu công nghệ BTĐL được áp dụng muộn hơn so với các nước phương Tây, song đến nay Trung Quốc với sự nổ lực và sáng tạo, đã trở thành đầu đàn trên thế giới về công nghệ BTĐL này, thể hiện qua các yếu tố sau:
– Số lượng đập BTĐL được xây dựng nhiều nhất so với các nước trên thế giới.
– Số lượng đập cao được xây dựng nhiều nhất so với các nước trên thế giới. Đập cao nhất đã nghiên cứu cao gần 200m – đập Long Than.
– Cường độ thi công đạt cao nhất thế giới ( thể hiện tính cơ giới hoá cao)
– Đã phát minh ra bê tông biến thái theo đó đã đưa tỷ lệ (BTĐL:Tổng khối lượng bê tông đập) lên cao nhất thế giới. Trình độ thiết kế đập BTĐL được thể hiện thông qua tỷ lệ này. Tỷ lệ càng cao thể hiện trình độ càng cao.
– Lần đầu tiên trên thế giới đã áp dụng công nghệ BTĐL vào đập vòm trọng lực và ngay cả vòm mỏng.