Những cách nhận biết tường chịu lực
Với nhiều gia đình, nhất là những người mua lại nhà đã được xây dựng từ lâu mà không có bản vẽ kỹ thuật, việc nhận biết tường chịu lực trong nhà sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu bạn muốn cải tạo, sửa chữa, nâng tầng thì cần phải xác định được đâu là tường chịu lực, đâu là không chịu lực bởi nếu tác động đến 1 bức tường chịu lực sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kết cấu của ngôi nhà. Không chỉ hiểu tường chịu lực là gì mà phải đánh giá được khả năng chịu lực của tường mới có thể sửa chữa, cải tạo phù hợp. Có 6 cách xác định, nhận biết tường chịu lực trong nhà:
– Dựa vào vị trí:
Tường chịu lực là gì và vị trí của tường chịu lực như thế nào ?
Một yếu tố dễ nhận biết nhất trong quá trình xác định tường chịu lực là vị trí của bức tường trong nhà bạn. Thông thường nếu tường là kết cấu chịu lực duy nhất trong căn nhà, thì tất cả các tường ngoài sẽ đóng vai trò chịu lực tải. Các bức tường này thường có khả năng cách nhiệt, cách âm tốt. Ngoài ra, các bức tường trong chịu lực sẽ được nhận biết thông qua khoảng cách đến tường bao, hướng theo dầm, xà.
– Tường chịu lực tải trong nhà cao tầng:
Với nhà cao tầng, để biết tường chịu lực là gì hãy kiểm tra từ tầng dưới lên tầng cao. Thông thường, càng lên cao, độ dày của 1 vài bức tường càng giảm, hoặc thậm chí 1 vài bức tường còn biến mất, nhất là ở tầng thượng. Những bức tường này là tường không chịu lực tải nên hoàn toàn có thể giảm bớt, trong khi những bức tường không thể giảm chiều dày chính là những bức tường đóng vai trò chịu lực của công trình.
Ngoài ra để đảm bảo an toàn, các căn nhà sử dụng kết cầu tường chịu lực thường có độ cao dưới 5 tầng.
– Dựa vào độ dày của tường:
Phân biệt tường chịu lực với tường không chịu lực dựa vào độ dày của tường
Tường chịu lực sẽ có độ dày lớn hơn những bức tường không chịu lực. Để đảm bảo an toàn, tường chịu lực phải có chiều dày > 220mm và có giằng.
– Dựa vào chất liệu tường:
Tường chịu lực có thể là tường gạch, đá, đường bê tông, bê tông cốt thép…nhưng trong nhà ở dân dụng thường chỉ dùng tường gạch – đá.
– Dựa vào hệ thống dầm, đà và cột:
Tường chịu lực chịu trọng tải của mái nhà
ở bước này, bạn cần nghiên cứu kỹ hơn về ngôi nhà của mình. Hãy tìm những bức tường có dầm nối trực tiếp với móng bê tông , hoặc những bức tường tiếp xúc vuông góc với đà ngang, nhiều khả năng chúng là những bức tường chịu lực cho cả căn nhà.
– Dựa vào sự thay đổi của cấu trúc:
Với những căn nhà cổ được xây dựng từ lâu hoặc xây dựng không cẩn thận, sau một thời gian dài sử dụng, dầm, đà ngang và cột của nhà sẽ xuống cấp, dồn trọng lượng của kết cấu vào những bức tường vốn không được thiết kế để chịu lực. Bởi vậy, bạn sẽ cần 1 sự giúp đỡ từ các chuyên gia trước khi tiến hành cải tạo nhà để đảm bảo an toàn.