Bố trí hợp lý neo cho tường chắn có neo
Trong thực tế có nhiều loại tường chắn như tường cọc ván thép, tường cọc bê tông cốt thép, tường cọc xi măng đất… Tường chắn được phân thành hai loại là tường cứng và tường mềm tùy theo cơ chế tường tương tác với đất nền. Bài báo chỉ nghiên cứu loại tường mềm.Tùy theo chiều sâu đào và điều kiện địa chất, tường chắn có thể có một hoặc nhiều hàng neo để đảm bảo giữ ổn định cho hố đào. Trong phạm vi nghiên cứu của bài báo, chỉ xét tường chắn có hai hàng neo.
Có nhiều phương pháp tính toán tường chắn như phương pháp Rigid, phương pháp Winkler, phương pháp phần tử hữu hạn. Nội dung nghiên cứu của bài báo sử dụng phương pháp phần tử hữu hạn là phương pháp có xét đến tương tác giữa tường và đất nền để phân tích tường chắn bằng công cụ hỗ trợ là phần mềm Plaxis.
Kết quả nghiên cứu chỉ xét đến mô men uốn và chuyển vị ngang trong tường, là hai tiêu chí để nghiên cứu ảnh hưởng của khoảng cách bố trí neo mà chưa xét đến lực cắt trong tường, lực theo phương đứng do neo gây ra, chuyển vị theo phương đứng do thành phần lực neo theo phương đứng gây ra và các yếu tố khác.
Tính toán tường chắn theo phương pháp phần tử hữu hạn (FEM) là phương pháp giải tích được sử dụng để xấp xỉ sự tương tác phức tạp xảy ra giữa đất và kết cấu. Phương pháp FEM cần nhiều thông số đầu vào để đạt được ứng xử chính xác của đất lên bề mặt kết cấu. Loại phân tích này gọi là phân tích tương tác đất–kết cấu (SSI). Trong phân tích FEM SSI, đất và tường thường được mô hình như là các phần tử hữu hạn tuân theo quan hệ giữa ứng suất và biến dạng phù hợp. SSI có thể sử dụng để mô hình hóa quá trình thi công thực tế, các giai đoạn thi công trong suốt quá trình phân tích được mô hình gia tăng dần. Quá trình này dùng mô hình ứng suất–biến dạng để mô phỏng ứng xử ứng suất–biến dạng xảy ra trong mỗi chu kỳ tác dụng tải. Điều này rất quan trọng vì ứng xử ứng suất–biến dạng của đất và mặt tiếp xúc đất–kết cấu là phi tuyến và phụ thuộc vào lộ trình ứng suất.